Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Chuyện dài FaceBook...
Theo PCWORLD.COM
Sau hàng loạt scandal về lỗi bảo mật, nhất là những lời ong - tiếng ve về việc sử dụng thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội Facebook trong thời gian gần đây, nhưng tại sao lại chẳng có ai gỡ app, xóa tài khoản Facebook vậy?
Trong thời gian gần đây, rất nhiều người dùng mạng xã hội Facebook đã nghĩ đến việc gỡ app và xóa tài khoản của mình để tránh lộ thông tin cũng như tiếp tục “cúng” dữ liệu cho Facebook làm giàu. Tuy nhiên, dù trên nguyên tắc là như thế, nhưng việc rời khỏi mạng xã hội (Facebook hay các mạng xã hội khác) lại không hề đơn giản, có cả nguyên nhân bên trong - từ chính các mạng xã hội này (cố tình níu kéo), lẫn nguyên nhân bên ngoài - đó là sự do dự của người dùng.
Bởi thế, nếu ta nói Facebook "đang gặp chút rắc rối" thì có vẻ như đã nói giảm quá mức, vì chưa từng có một mạng xã hội nào cùng lúc phải đứng trước hàng loạt cáo buộc và scandal như Facebook của năm 2018 này; nhưng nếu nói là Facebook "đang đứng tên bờ vực" thì cũng chưa hẳn đúng, theo nhận định của trang tin Vox.

Sau hàng loạt scandal về lỗi bảo mật, nhất là những "lời ong, tiếng ve" về việc sử dụng thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội Facebook trong thời gian gần đây, nhưng tại sao lại chẳng có ai gỡ app, xóa tài khoản Facebook vậy?
Theo trang này, trên mạng xã hội Twitter đã và đang có một cụm hashtag #DeleteFacebook, để hướng người dùng mạng xã hội Facebook chuyển sang nền tảng này, đồng thời xóa ứng dụng cũng như tài khoản Facebook để phản đối cách làm "không coi người sử dụng ra gì" của mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Thế nhưng thực tế hoàn toàn khác: đó chỉ là số ít, rất ít. Đa phần những người còn lại hoặc chẳng thèm quan tâm đến những cáo buộc và scandal hiện nay của Facebook, còn một số người khác tuy cẩn trọng hơn khi dùng, nhưng với những thông tin được đăng tải lên mạng xã hội này (mới, nóng và đa chiều), họ vẫn quyết định sẽ không rời bỏ. Bởi thế có thể nói, mạng xã hội Facebook đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta "sống ảo" trên mạng internet, và việc từ bỏ nó không chỉ đơn giản là xóa app và xóa tài khoản mà thôi.
Để tìm ra nguyên do, trang tin Vox đã bỏ khá nhiều công sức để tìm hiểu và đưa ra những lời kết luận (nhận định), với sự đúc kết từ thực tế lẫn nhu cầu của người dùng. Đó là: Trước hết, mạng xã hội Facebook hiện giờ là một nền tảng kết nối hàng nghìn dịch vụ web, ứng dụng và nền tảng mạng xã hội khác. Chính vì thế, nó đã thu hút và lôi kéo được hơn 2 tỷ người dùng và trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Giờ đây, có rất nhiều ứng dụng di động hoặc trang web cho phép tích hợp tài khoản Facebook để đăng ký và đăng nhập rất tiện lợi. Thậm chí, có cả vài dịch vụ bắt người dùng phải có tài khoản Facebook như cách duy nhất để đăng nhập và sử dụng dịch vụ, bất chấp việc trong vài năm qua, đã có rất nhiều người phản đối cách làm "đầy lười biếng" này của nhiều trang web và dịch vụ, nhưng chúng ta không thể phủ nhận: Facebook quá tiện lợi. Bởi thế, nếu bỏ Facebook, nhiều người cũng sẽ không thể đăng nhập vào được các trang Quora, 9Gag, Tinder,... và hàng triệu, thậm chí cả tỉ dịch vụ và ứng dụng khác. Ví dụ, hiện có hơn 50 triệu người đang dùng Tinder đều đăng nhập qua Facebook cho tiện, đỡ phải up từng cái ảnh và cập nhật thông tin cá nhân giống như người lập tài khoản lần đầu tiên. Không chỉ riêng Tinder, nhiều dịch vụ khác như Spotify, Airbnb hay Patreon cũng hoạt động tương tự, khiến người sử dụng phải suy nghĩ thật kỹ trước khi "bỏ không chơi" với Facebook nữa. Bởi trong khi số lượng trang/ứng dụng đang dùng tích hợp tài khoản Facebook rất nhiều và ngày càng "nảy nở", thế nên việc dừng sử dụng mạng xã hội này càng trở nên bất khả thi hơn với rất nhiều người. Ở thời điểm hiện tại, cả Facebook và Google đang chia sẻ với nhau một hệ sinh thái Internet rất rộng, nhưng Google vẫn yên bình khi chưa bị tẩy chay mạnh mẽ như Facebook. Tuy nhiên, chúng ta có thể dần phán đoán được rằng, việc hai "ông lớn" độc quyền nói trên với chỉ một tài khoản đã đăng nhập được vào 1001 trang web/ứng dụng khác nhau, thì việc muốn bỏ không dùng một trong hai tài khoản của họ ngày càng trở nên bất khả thi. Kế đến, đó là nhiều người vẫn cần Facebook để phục vụ công việc và học tập. Chẳng hạn với một người làm kinh doanh, hàng ngày vẫn phải dùng Facebook để giao tiếp với các đối tác, tìm kiếm tin tức được "chia sẻ nóng" trên mạng xã hội, và trao đổi cả với các đồng nghiệp trong trường hợp họ không tiện xem tin nhắn trên các công cụ chỉ dùng cho công việc, như Gmail hay Slack chẳng hạn. Trong trường hợp này, người đó chỉ việc gửi tin nhắn Messenger cho các đồng nghiệp của mình là xong. Tương tự với nhiều ngành nghề khác như marketing, dev, quản lý fanpage,… Facebook giờ không chỉ là một mạng xã hội để chia sẻ những câu chuyện cá nhân và kết nối mọi người như cách mà Yahoo 360 (ở Việt Nam) 10 năm về trước từng làm, nhưng không thể tiện và nhanh như Facebook hiện nay. Vì thế, Facebook đã trở thành "một phần không thể thiếu" trong cuộc sống đối với một số lượng lớn cư dân mạng trên toàn thế giới, cả về giải trí, công việc lẫn kết nối bạn bè, người thân.


Dù bị nhiều chỉ trích nhưng với nhiều lợi thế, Facebook vẫn là mạng xã hội có nhiều người dùng nhất.
Thậm chí ở nước ngoài, một vài công ty và tổ chức còn bắt nhân sự mới phải có tài khoản Facebook mới được nhận vào làm. Với các nhóm học sinh, sinh viên hay các nhóm cộng đồng khác còn có cả Facebook Groups để trao đổi và làm việc nhóm với nhau cho tiện lợi hơn. Việc con người đang phụ thuộc vào "mạng ảo" - như Facebook, là có thật, cho nên không thể chỉ đơn thuần nói dừng là dừng được ngay, thay vào đó, mỗi người cũng phải cân nhắc một đầy đủ những hệ quả cũng như cách khắc phục (thay thế khi không có nó) để cuộc sống và công việc vẫn diễn ra trơn tru như bình thường.
Cuối cùng là, cho đến giờ, mạng xã hội Facebook vẫn là công cụ khá thuận tiện để kết nối mọi người với nhau. Mặc dù không phải lúc nào Facebook cũng "hoàn thành nhiệm vụ của nó một cách hoàn hảo và tích cực", vẫn có những "góc tối", nhưng nó vẫn là một nhu cầu thực trong cuộc sống. Với một mạng xã hội có tới 2,3 tỷ người sử dụng mỗi tháng, quả thực nó đã giải quyết được nhu cầu kết nối, trao đổi, giải trí,... cho bao người hiện nay. Chính vì thế, việc kiểm soát và loại bỏ hẳn những mảng tối trong mạng này thực sự không dễ dàng gì với các chuyên gia và cả Facebook lẫn người dùng.
Sau hơn một thập kỷ gắn bó với người sử dụng Internet, mạng xã hội Facebook hiện đã trở thành một dịch vụ gắn liền với nhiều cảm xúc của rất nhiều người dùng chứ không chỉ đơn thuần là một mạng xã hội nữa. Nói không ngoa, đối với nhiều người, bỏ Facebook cũng đồng nghĩa với bỏ cả chục năm quá khứ của bản thân - vốn được họ cập nhật từng giây, từng phút, từng ngày trên mạng xã hội này.
Việc muốn bỏ Facebook giờ không còn dễ như trước đây. Và ngay cả khi muốn gỡ app, xóa tài khoản Facebook, người sử dụng Internet lại gặp khó ở câu hỏi tiếp theo: Bỏ Facebook thì dùng gì để liên lạc với mọi người bây giờ?

Facebook cho hơn 150 công ty xem tin nhắn của người dùng, có Spotify và Netflix

Thanh Trà PCWORLD.COM
Tờ New York Times vừa công bố một tài liệu dài hơn 200 trang, được tổng hợp từ các nguồn thông tin khác nhau có liên quan đến Facebook, cho thấy mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang cho phép hơn 150 công ty trên thế giới xem nội dung tin nhắn của người dùng mà không hề có sự đồng ý.
Một tài liệu dài hơn 200 trang, do tờ New York Times tổng hợp từ các nguồn thông tin như phát ngôn của những cựu nhân viên Facebook, hay đối tác Facebook,… đã cho thấy, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đang cho phép tới hơn 150 công ty khác nhau trên thế giới được quyền truy cập trái phép vào nội dung tin nhắn của người dùng mà không hề có sự đồng ý của họ. Đáp lại những cáo buộc của New York Times, đại diện của Facebook cho rằng, việc hãng cho phép hơn 150 công ty, ví dụ như Spotify hay Netflix có thể truy cập vào nội dung tin nhắn riêng tư và nhiều dữ liệu khác của người dùng là nhằm "giúp chính người dùng".

Netflit - một trong những đối tác được Facebook trao quyền khai thác dữ liệu người dùng.
Điều này thật sự là "một sự mỉa mai", coi người dùng như "một món hàng", được Facebook sử dụng để thu lợi nhuận riêng cho mình khi các thông tin cá nhân của người dùng bị sử dụng và khai thác tràn lan. Trong khi đó, hãng luôn mạnh miệng cho rằng họ "vì người dùng", vì cộng đồng,... nhưng thật sự bên trong không phảy vậy.
Cụ thể, các tài liệu nội bộ của Facebook đã chỉ ra, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft có thể truy cập vào danh sách bạn bè mà không cần có sự đồng ý của người dùng mạng. Thêm vào đó, hãng cũng cho phép Netflix và Spotify được đọc tin nhắn riêng tư của người dùng, hay Facebook còn cho phép Amazon thu thập tên tuổi, thông tin liên lạc. Riêng Yahoo có thể đọc bài đăng người dùng, còn Sony, Microsoft, Amazon lại có quyền lấy địa chỉ email của bạn...
Nói chung, đây là những "cái bắt tay dưới gầm bàn" của Facebook với các công ty đối tác, nhằm chia sẻ dữ liệu cá nhân của người dùng mạng xã hội Facebook theo cách này hay cách khác, tức cách mà công ty đối tác của Facebook muốn là loại dữ liệu gì.
Bởi vậy, nếu so sánh về quy mô và mức độ nghiêm trọng của báo cáo này, vụ rò rỉ dữ liệu người dùng Cambridge Analytica dường như chỉ ở mức không đáng kể. Thậm chí thỏa thuận chia sẻ dữ liệu trên đã được thực hiện trong suốt năm 2017 và một trong số đó vẫn còn hiệu lực tính tới nay.
Tiết lộ mới nhất này của New York Times đã khiến giới công nghệ không khỏi giật mình. Bởi lẽ Facebook từng ký thỏa thuận với Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ hồi năm 2011 về việc cấm chia sẻ dữ liệu người dùng khi chưa có sự cho phép.
Trong một diễn biến mới nhất, Facebook đã trả lời cáo buộc của New York Times. Công ty thừa nhận họ còn nhiều việc phải làm để lấy lại được lòng tin của cộng đồng 2 tỷ người dùng. Nhưng Facebook cũng nhấn mạnh việc họ sở hữu và chia sẻ dữ liệu sẽ giúp "tăng trải nghiệm cá nhân" trên các trang web của hãng và các dịch vụ đang liên kết với Facebook.
"Các đối tác của Facebook không bao giờ lờ các thiết lập quyền riêng tư và sẽ thật sai lầm khi cho rằng họ đã làm điều đó. Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã hợp tác với nhiều công ty bởi vậy mọi người có thể sử dụng Facebook trên các thiết bị và nền tảng mà chúng tôi không hỗ trợ. Không giống như trò chơi, dịch vụ phát nhạc trực tuyến hoặc ứng dụng bên thứ ba khác luôn cung cấp trải nghiệm độc lập với Facebook, các đối tác của chúng tôi chỉ có thể cung cấp các tính năng cụ thể trên Facebook và không thể sử dụng thông tin cho mục đích riêng.", Steve Satterfield, giám đốc Chính sách công và Quyền riêng tư tại Facebook cho biết như thế.
Về phía các đối tác, một phát ngôn viên của Netflix cũng lên tiếng khẳng định, họ không truy cập tin nhắn riêng tư của người dùng. Một tính năng tương tự từng được Netflix áp dụng trên Facebook từ năm 2014-2015 với mục đích đơn giản, chỉ là "yêu cầu truy cập danh sách bạn bè". Netflix sẽ cho phép bạn có thể chia sẻ, giới thiệu các chương trình truyền hình, bộ phim trên trang Netflix với bạn bè qua Messenger. Sau đó, Netflix được cho đã tắt tính năng này và cam kết không truy cập vào tin nhắn cá nhân của người dùng Facebook.


Đã đến lúc Facebook cần minh bạch hơn với chính mình và với người dùng về dữ liệu cá nhân.
Hay đại diện Amazon cũng lên tiếng xác nhận, Amazon chỉ sử dụng API do Facebook cung cấp để tăng trải nghiệm cá nhân hóa trên các sản phẩm. Trong khi đó, Microsoft khẳng định, họ đã tuân thủ đầy đủ các bước để đảm bảo dữ liệu Facebook không bị lạm dụng cho mục đích quảng cáo, đồng thời nhấn mạnh hãng luôn tôn trọng sở thích của người dùng.
Còn về phía Apple, hãng khẳng định không biết tại sao họ lại có nhiều đặc quyền truy cập như vậy với dữ liệu người dùng, ví dụ như khả năng truy cập danh bạ, lịch ngay cả khi Facebook đã hạn chế chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, Apple khẳng định không bao giờ lấy bất kỳ dữ liệu nào đi.
Nhưng trên tất cả, những giải đáp của Facebook cũng như của các hãng công nghệ - đối tác có liên quan của Facebook, nói trên đều là ngụy biện. Chúng chẳng qua là "ẩn thân" của việc quảng cáo về các sản phẩm của các hãng lên người dùng Facebook - trong khi họ không hề muốn, chưa kể đến việc các đối tác của Facebook có dùng những dữ liệu cá nhân kia vào "những việc mờ ám" không.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hệ lụy của việc quản lý lỏng lẻo API. Thiết nghĩ Facebook cần có chính sách quản lý chặt chẽ hơn các đối tác trong việc sử dụng API. Nếu không làm tốt việc này, đối tác hoàn toàn có thể lợi dụng lỗ hổng API để thu thập dữ liệu người dùng Facebook bất cứ lúc nào.
Hiện có lẽ Facebook chỉ đứng sau Google về số thông tin đã tích lũy được từ cộng đồng người dùng. Nhưng nếu không quản lý chặt chẽ và có biện pháp bảo vệ số thông tin này, Facebook chẳng khác nào đang rao bán và phơi nội dung nhạy cảm của người dùng cho thiên hạ biết, đó là chưa kể chúng sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu của tin tặc và các ứng dụng lừa đảo.
Trong khi đó, suốt cả năm nay Facebook đã bị cộng đồng, giới công nghệ hoài nghi về tính trung thực và trách nhiệm. Khởi đầu từ vụ bê bối liên quan đến công ty tư vấn Cambridge Analytica lạm dụng dữ liệu người dùng nhằm phục vụ cho mục đích chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. CEO Mark Zuckerberg sau đó đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và gửi lời xin lỗi tới người dùng.
Hồi tháng 7/2018, Facebook cũng từng thừa nhận đã ký kết các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với hàng chục công ty công nghệ, thừa nhận đang chia sẻ thông tin với 61 nhà sản xuất phần cứng và phần mềm khác nhau. Và đáng chú ý là, các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu của Facebook với đối tác đều đi kèm với "một thông điệp quen thuộc: Đó là "làm tăng trải nghiệm" người dùng.
Bởi vậy trên hết, mạng xã hội hơn 2 tỷ người dùng này cần phải minh bạch hơn với người dùng và với chính mình trước khi nghĩ đến việc đưa ra những cam kết về bảo mật dữ liệu cá nhân.

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Một số thông tin đáng xem...

Tất cả từ PCWORLD.COM...

Trên Internet, không hề có thứ gọi là quyền riêng tư

Trong thế giới ngày nay, nếu bạn thường xuyên lướt web hay sử dụng các dịch vụ trên mạng, thì hãy biết chắc một điều rằng: trên Internet, không hề có thứ gọi là quyền riêng tư.
Các dịch vụ và ứng dụng trên internet có vẻ như đã và đang hỗ trợ rất nhiều cho con người trong cuộc sống, giúp chúng ta làm việc tốt hơn hay cung cấp cho loài người kho kiến thức vô tận. Thế nhưng đằng sau nó vẫn ẩn chứa nhiều vấn đề, đặc biệt là việc lợi dụng sự cả tin của người dùng để làm "những việc mờ ám" của các nhà cung cấp dịch vụ và ứng dụng như bí mật thu thập thông tin của người dùng để kiếm lời - bán cho các bên thứ ba, hay tệ hơn là việc hack người dùng (của các hacker) để đánh cắp tiền trong tài khoản, đòi tiền chuộc,... Trong khuôn khổ của bài viết này, trang TechRadar đã đưa ra "cái nhìn tổng thể" về gã khổng lồ tìm kiếm Google, từ những bước đường đi lên cho đến các "mánh khóe" kiếm ăn từ mạng internet, để chúng ta thấy được rằng, dẫu rất hữu ích và đã trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu, nhưng internet vẫn là "một cái bẫy".

Google đang "soi" vào mọi ngóc ngách để tìm kiếm thông tin của người dùng với hàng loạt ứng dụng cúa hãng
Theo TechRadar, ban đầu Google chỉ là một công cụ tìm kiếm hữu ích, với tham vọng lập chỉ mục toàn bộ internet, và với khẩu hiệu "Đừng làm điều ác", đã được Google khắc sâu vào quy tắc ứng xử của mình trong suốt những năm khởi đầu - những ngày đầu của internet vào năm 1998.
Còn cái tên Google xuất phát từ chữ "Googol", với ý nghĩa sức mạnh từ 10 đến 100, hay nói cách khác, đây là một con số lớn ảo diệu.
Khi công ty ngày càng phát triển, Google đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực nội dung trực tuyến khác, bao gồm dịch vụ webmail - phổ biến nhất là Gmail, bộ công cụ văn phòng trực tuyến Google Documents, kho lưu trữ đám mây Google Drive, và hệ thống bản đồ/điều hướng Google Maps.
Cùng với đó, Google còn phát triển các hệ điều hành lấy nhân từ Linux, bao gồm Android OS sử dụng trên đại đa số các smartphone ngày nay, và Chrome OS sử dụng trên các laptop Chromebook. Và mọi bức ảnh bạn đã chụp từ smartphone của mình đều được đưa lên Google Photos theo những cách không thể tự nhiên hơn.
Cuối cùng, đừng quên trình duyệt web Chrome do Google phát triển, hiện đã có mặt trên rất nhiều nền tảng và chiếm đến 2/3 thị phần trình duyệt web toàn cầu - tính đến tháng 9/2018. Với hầu hết người dùng trên thế giới, Google và các sản phẩm của Google có mặt ở khắp mọi nơi.
Thế nhưng mãi cho đến nay, vấn đề bí mật thông tin cá nhân mới nổi lên và những câu hỏi về dữ liệu cá nhân mới được đặt ra. Với quá nhiều con đường cho phép họ thu thập dữ liệu như trên, Google nhanh chóng tập hợp được một lượng lớn thông tin về mỗi người dùng. Và điều này làm dấy lên một câu hỏi: "Công ty sẽ làm gì với số dữ liệu này?" - Câu trả lời ở đây là: "Để kiếm tiền, và phục vụ cho việc cá nhân hóa quảng cáo". Nó còn được biết đến với một tên gọi khác là "Quảng cáo hướng đối tượng."
Quảng cáo hướng đối tượng đặc biệt có giá trị, khi mà thay vì chỉ hiển thị những quảng cáo ngẫu nhiên đến những người ngẫu nhiên như quảng cáo truyền thống trên truyền hình, radio hay tờ rơi, Google có thể nhắm quảng cáo đến những người dùng cụ thể.
Bạn có thể thường xuyên thấy quảng cáo hướng đối tượng khi một người dùng tìm kiếm một món đồ trên Google Search, và trong một vài phiên duyệt web sau đó, hay thậm chí trên một thiết bị khác, sẽ có vô số các quảng cáo xuất hiện liên quan đến không chỉ món đồ mà bạn đã tìm kiếm, mà còn xuất hiện cả những sản phẩm cạnh tranh trong cùng danh mục với món đồ đó. Ở đây, Google đã giả định rằng, nếu bạn đã tìm (để mua) một món đồ nhất định, bạn sẽ là một khách hàng tiềm năng đối với mọi sản phẩm bạn định chọn và nó đã liệt kê ra.
Nói một cách công bằng, Google khẳng định họ không bán thông tin cá nhân của bạn cho bất kỳ ai, và công khai nhấn mạnh rằng dữ liệu này được thu thập để cá nhân hóa quảng cáo. Nhưng chúng ta hãy cùng xem, chính xác là những dữ liệu này đến từ đâu, và Google đã thu thập được bao nhiêu.
Có thể nói, mọi thứ đã bắt đầu với tìm kiếm. Công cuộc thu thập dữ liệu của Google bắt đầu với bộ máy tìm kiếm của hãng, khi mà nó sẽ lưu giữ mọi chủ đề bạn đã tìm kiếm. Công ty sau đó sẽ hiển thị các quảng cáo liên quan đến các tìm kiếm kia, đồng thời theo dõi những quảng cáo nào người dùng đã bấm vào để đánh giá sự hào hứng, từ đó tung ra nhiều quảng cáo hướng đối tượng hơn. Sau đó, Google sẽ tiếp tục đối chiếu một danh sách gồm toàn bộ các chủ đề có liên quan đến một cá nhân cụ thể.
Ngoài ra, Google còn lấy dữ liệu từ điện thoại di động của bạn và xây dựng nên một danh sách tổng quát về những thông tin cá nhân của bạn, bao gồm tên, biệt danh, email, số điện thoại, ngày sinh, giới tính và địa điểm.
Bên cạnh công cụ tìm kiếm, dịch vụ webmail của Google cũng là một thứ cần quan tâm, khi mà Gmail luôn duy trì một danh sách gồm mọi liên hệ bạn đã từng gửi hoặc nhận email. Thoạt nhìn, có vẻ như Gmail đang giúp bạn gửi, nhận email cho ai đó được nhanh hơn (bạn khỏi nhớ, thậm chí có thể nhập nhầm), nhưng một yếu tố đang gây tranh cãi ở đây là: nội dung các email chúng ta đã gửi đi và nhận về cũng bị Google đem ra phân tích vì mục đích quảng cáo hướng đối tượng.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây Google được cho là đã ngừng quét email của người dùng, mặc dù các ứng dụng bên thứ 3 vẫn làm điều này. Ví dụ, một ứng dụng được tích hợp với Gmail để phục vụ việc lên kế hoạch cho các chuyến đi của bạn chẳng hạn.
Không chỉ vậy, các dịch vụ khác của Google cũng cung cấp thêm dữ liệu để hãng thu thập và phân tích. Một số khá hiển nhiên, như nội dung các đoạn chat trong Google Hangouts. Tuy nhiên, một số khác có lẽ không dễ dàng nhận ra lắm - như Google Photos, nơi Google thu thập dữ liệu về người và các địa điểm được đánh dấu, và các hình ảnh được phân tích để ứng dụng này có thể gộp nhóm những hình ảnh chó và mèo lại với nhau chẳng hạn. Hơn thế nữa, Google còn phân tích các hình ảnh bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định ai trong bức hình, và chính vì lý do này, họ đã phải chịu một vụ kiện liên quan quyền riêng tư sinh trắc học tại bang Illinois (Mỹ).
Thêm vào đó, Google còn sử dụng dịch vụ Google Maps phổ biến của mình để thu thập thông tin qua trình duyệt desktop và smartphone. Để dịch vụ này hoạt động được, người dùng cần cung cấp một số dữ liệu cá nhân như địa chỉ nhà và nơi làm việc để việc điều hướng dễ dàng hơn.
Trong việc này, Google cũng nhanh chóng vượt quá giới hạn cho phép khi không chỉ theo dõi những địa chỉ người dùng tìm kiếm mà còn những nơi họ đi mỗi ngày, bao gồm chiều dài quãng đường đi (lái xe và đi bộ), những cửa hàng/nhà hàng họ ghé qua, lượng thời gian họ dành ở những nơi đó,... Chẳng hạn, Google sẽ biết được bạn từng dừng lại ở một đại lý xe hơi, ghé một điểm đổ xăng,... trong ngày, và sau đó sử dụng thông tin này sẽ được Google sử dụng để phục vụ các quảng cáo liên quan xe hơi.
Nếu bạn không dùng Google Maps và chuyển sang một dịch vụ phổ biến khác là Waze, bạn nên nhớ rằng Google cũng sở hữu luôn dịch vụ này, và nó cũng thu thập những bộ dữ liệu giống hệt nhau.
Dữ liệu vị trí này được xem là đủ chính xác đến mức trong nhiều trường hợp, cảnh sát còn sử dụng chúng để điều tra các vụ án nghiêm trọng. Bạn có thể xem dòng thời gian của mình và sẽ thấy được những nơi bạn đã từng đến, và những chuyến đi của bạn đã được Google ghi lại mỗi ngày, kéo dài trong nhiều năm liền.
Đến đây, bạn đã thấy Google"ghê gớm" đến mức nào, nhưng đó chưa phải là hết. Google vẫn còn nhiều dịch vụ khác, bao gồm Google Calendar với chức năng theo dõi lịch hẹn - chúng ta sẵn sàng "dâng" cho Google mọi dữ liệu liên quan các sự kiện xã hội của mình để đổi lấy việc có được một cuốn sổ ghi lịch hẹn trực tuyến có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Hay như Google News - Một nguồn thu thập thông tin khác của Google. Dịch vụ này biết bản tin nào bạn đang xem, và nhanh thôi, nó sẽ suy ra được những sở thích cũng như những yếu tố khác như xu hướng chính trị của bạn - đó là những thông tin rất có giá trị nhằm hướng bạn tham gia vào một cuộc quyên góp tiềm năng chẳng hạn. Hoặc Google Fit, cũng là một mỏ vàng dữ liệu khác của Google. Đây cũng là một ứng dụng thú vị, có thể theo dõi hoạt động của người dùng trong suốt một ngày dài, có nghĩa là Google sẽ biết một người năng động hay lười nhác như thế nào.
Rồi các dữ liệu khác của người dùng cũng được Google thu thập từ việc tìm kiếm các tài liệu, được tạo ra bởi bộ ứng dụng văn phòng trực tuyến G Suit của Google, và những thứ được lưu trữ trong Google Drive của người dùng. Ngoài ra, Google còn sở hữu trang web stream video YouTube, và hẳn bạn đã biết, công ty theo dõi mọi video bạn đã xem!
Tóm lại, dù Google đã giúp chúng ta hình thành nên một nền tảng internet hiện đại, với nhiều dịch vụ của hãng, nhưng ở chiều ngược lại, bạn bị buộc phải đánh đổi bằng dữ liệu cá nhân của chính mình, dưới nhiều hình thức mà hầu hết chúng ta khó có thể nhận ra được.
Có nhiều cách để thoát ra khỏi bóng mây của Google, bao gồm tắt tính năng thu thập dữ liệu khi có thể và sử dụng các dịch vụ không phải của Google, dù trong hầu hết các trường hợp, việc này giống như "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" - nếu không trao dữ liệu cho Google, bạn có lẽ đang trao dữ liệu cho những ông lớn công nghệ khác như Apple hay Microsoft, những công ty chẳng tốt lành hơn là bao.
Vậy nên, trong thế giới ngày nay, nếu bạn không sử dụng những cách thức tốt hơn ở trên, như lướt web với một VPN, hay sử dụng nhiều hơn các dịch vụ ẩn danh, thì hãy biết chắc một điều rằng: trên internet, không hề có thứ gọi là quyền riêng tư.

Vụ YouTube 'sụp mạng' ít hôm trước: Nhóm Ghost Squad Hackers nhận trách nhiệm

Hôm qua, nhóm hacker nổi tiếng có tên "Ghost Squad Hackers", đã lên tiếng nhận trách nhiệm về việc đánh sập kênh giải trí nổi tiếng Youtube hôm 17/10 vừa qua.
Một ngày sau khi mạng xã hội chuyên về video YouTube bị sập mà không ai rõ rõ lý, mới đây một nhóm hacker đã lên tiếng nhận trách nhiệm về việc này thông qua bài đăng trên Twitter.

Nhóm 'Ghost Squad Hackers' vừa lên tiếng nhận trách nhiệm đã đánh sập YouTube
Cụ thể, nhóm hacker có tên là Ghost Squad Hackers (GSH) đã thừa nhận trách nhiệm đánh sập mạng xã hội YouTube vào ngày hôm 17/10, làm cho mạng YouTube trên toàn cầu bị gián đoạn, khiến hàng triệu người dùng không thể truy cập.
Ngoài dòng tweet ngắn ngủi nhận trách nhiệm, nhóm Ghost Squad Hackers không tiết lộ thông tin gì khác về vụ việc cũng như phương thức hack.

Dòng tweet ngắn ngủi nhận trách nhiệm, nhóm Ghost Squad Hackers.
Được biết, Ghost Squad Hackers là một nhóm tin tặc nổi tiếng với nhiều vụ hack vào các cơ quan, tổ chức, cơ quan chính phủ của nhiều quốc gia, thậm chí là cả nhà nước Hồi giáo.
Năm 2016, nhóm Ghost Squad Hackers từng phối hợp với nhóm Anonymous để tiến hành vụ tấn công mạng nhắm vào trang tin CNN (Mỹ), cũng như nhiều kênh truyền thông khác. Ngoài ra, nhóm Ghost Squad Hackers còn được ghi nhận là chủ mưu của vụ phá hoại nhiều website quan trọng, như website của Afghanistan, đánh sập website ngân hàng Israel và địa chỉ web của Thủ tướng Israel.
Cách thức hack được nhóm Ghost Squad Hackers sử dụng nhiều nhất là tấn công DDoS (Distributed Denial of Service), bằng cách sử dụng hàng trăm nghìn địa chỉ IP khác nhau để cùng truy cập vào một địa chỉ tại cùng thời điểm, gây quá tải lưu lượng và dẫn đến việc "đánh sập" trang web.

Winamp sẽ trở lại trong vai ứng dụng chơi nhạc "tất cả trong một"

Winamp, phần mềm chơi nhạc huyền thoại một thời, sẽ được hồi sinh trong vai trò ứng dụng di động hoàn toàn mới, cho phép người dùng dễ dàng truy cập toàn bộ các nội dung âm thanh mà mình sở hữu trên các nền tảng trực tuyến.
Ra mắt lần đầu vào năm 1997, Winamp nhanh chóng trở thành ứng dụng chơi nhạc được yêu thích trên toàn cầu không chỉ bởi tính chất miễn phí, mà còn nhờ khả năng tùy biến cao (đặc biệt là cho phép người dùng dễ dàng tự tạo ra các giao diện mới của riêng mình). Sau khi bị AOL thâu tóm vào năm 2002, Winamp lại về tay Radionomy vào năm 2014. Lần cuối cùng phần mềm này được cập nhật là vào năm 2013. Vì vậy, khi thông tin về sự "hồi sinh" xuất hiện, nhiều người thực sự hết sức vui mừng.

Giao diện huyền thoại của Winamp.
Theo giám đốc điều hành Radionomy Alexandre Saboundjian, phiên bản tiếp theo của Winamp sẽ là hoàn toàn mới, cho phép người dùng nghe nhạc MP3 ở nhà, hoặc trên kho điện toán đám mây, cũng như thưởng thức các nội dung podcasts, các trạm radio trực tuyến, thiết lập các danh sách nhạc theo ý muốn.
Đáng chú ý, kế hoạch cập nhật Winamp trên cả máy tính để bàn và di động để tạo ra trải nghiệm tìm kiếm đồng nhất cho toàn bộ các nội dung âm thanh mà người dùng sở hữu ở mọi nguồn cung cấp có lẽ là thay đổi đáng chú ý nhất. Dù Alexandre Saboundjian từ chối đi vào chi tiết, không khó để đoán rằng Winamp sẽ trở thành điểm "hub" thu gom toàn bộ nội dung trên các nền tảng nhạc trực tuyến như Apple Music, Spotify...
Hiện tại, chưa có thông tin chi tiết nào về giao diện của Winamp mới. Tuy nhiên, ý tưởng về việc biến một phần mềm chơi nhạc thuần túy thành trung tâm hội tụ toàn bộ các nội dung nhạc của mỗi cá nhân thực sự là điều thú vị, dù bản thân Winamp chưa hé lộ gì về phương thức làm điều đó. Điều này cũng không khỏi khiến người ta phải tò mò, vì việc tích hợp đa nền tảng là điều không dễ dàng gì trong bối cảnh thế giới số hiện nay.
Dù phiên bản Winamp 5.8 hiện đã có lịch phát hành trong tuần, nhằm khắc phục một số lỗi và cải thiện khả năng tương thích. Tuy nhiên, Winamp 6 với những thay đổi toàn diện dự kiến sẽ có mặt vào năm 2019.

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Mấy thông tin đáng đọc cho các bạn xài Android và... chơi FB!

Theo PCWORLD.COM

Phát hiện loại virus mới và cực kỳ nguy hiểm trên Android

Công ty Cisco vừa công bố phát hiện ra một virus mới trên hệ điều hành Android có tên là Gplayed chuyên đánh cắp dữ liệu của người dùng.
Các chuyên gia an ninh mạng của công ty Cisco vừa cho biết, đã xuất hiện một loại virus mới có thể đánh cắp dữ liệu của người dùng đối với thiết bị chạy hệ điều hành Android và các chuyên gia đã đặt tên cho phần mềm nguy hiểm này là Gplayed. Thông tin này vừa được đăng trên trang blog của Cisco. Theo đó, họ lưu ý người dùng rằng, hiện tại tin tặc đang tích cực tung loại virus mới này lên mạng. Và trong tương lai, khả năng chương trình có chứa virut Gplayed này có thể gây nguy hại rất lớn đối với các thiết bị chạy hệ điều hành Android.

Nếu bạn tải ứng dụng có chứa phần mềm Gplayed này về, hacker cũng có thể truy cập vào thông tin cá nhân của bạn, thậm chí cả tài khoản ngân hàng được cài đặt trên điện thoại.
Cụ thể, các hacker đã tạo ra loại virus Gplayed này và cài đặt trong các ứng dụng chính trên kho ứng dụng Google Play. Sau khi tải ứng dụng có chứa virut này về máy, trên màn hình sẽ xuất hiện biểu tượng có tên Google Play Marketplace.
Đáng lưu ý là, loại virus này có khả năng truy cập quyền quản lý dữ liệu và cho phép hacker điều khiển thiết bị từ xa, trong đó có việc khóa thiết bị, thực hiện cuộc gọi và gửi tin nhắn - tức vô hiệu hóa luôn chủ của các thiết bị đó.
Ngoài ra, hacker cũng có thể truy cập vào thông tin cá nhân của người dùng, thậm chí cả tài khoản ngân hàng được cài đặt trên điện thoại.
Hồi đầu năm nay (vào tháng 1/2018), hãng bảo mật Nga Kaspersky Lab đã phát hiện ra một trong số những mã độc mạnh nhất từ trước tới nay trên Android, có tên là Skygofree. Skygofree mạnh tương đương với phần mềm do thám do một công ty CNTT Italy đã bán ra trước đây - từng gây nhiều lo ngại vì khả năng do thám quá mạnh, với khả năng ghi âm dựa trên vị trí và rất nhiều tính năng do thám chưa từng thấy khác.
Ngoài ra, Skygofree còn có khả năng chụp ảnh, quay video, ghi âm, đọc tin nhắn, dữ liệu vị trí, các sự kiện ghi trong lịch và thông tin liên quan tới kinh doanh lưu trong bộ nhớ thiết bị...

29 triệu người dùng Facebook bị đánh cắp dữ liệu!

(Trong đó có tui_Những ai được FB gửi tin nhắn yêu cầu kiểm tra lại tài khoản hay đề nghị tạo Password mới_Đều nằm trong danh sách bị ăn cắp account!)
Liên quan đến vụ vi phạm về dữ liệu người dùng (do bị hack) khiến 50 triệu tài khoản Facebook bị ảnh hưởng, hãng Facebook vừa thừa nhận đã có 29 triệu người dùng bị đánh cắp dữ liệu.
Ngày hôm qua - 12/10, Facebook cho biết, trong số 29 triệu tài khoản bị đánh cắp dữ liệu, có 14 triệu người sử dụng bị hack bị đánh cắp các dữ liệu bao gồm ngày sinh, chủ lao động, trình độ giáo dục và danh sách bạn bè; trong khi đó, 15 triệu người sử dụng khác bị đánh cắp thông tin về tên cá nhân và chi tiết liên lạc. Đây được coi là lỗi hệ thống tồi tệ nhất từ trước tới nay của Facebook, và vụ việc đã khiến người sử dụng mạng, các nhà làm luật và nhà đầu tư lo ngại hết sức lo ngại khi Facebook đã không tìm mọi cách bảo vệ dữ liệu của mình.

Vụ Facebook bị hack, khiến 50 triệu tài khoản bị ảnh hưởng đã khiến người sử dụng mạng, các nhà làm luật và nhà đầu tư lo ngại hết sức lo ngại khi Facebook đã không tìm mọi cách bảo vệ dữ liệu của mình.
Cũng trong thông báo mới đây, Facebook cho biết, hãng sẽ sớm gửi tin nhắn riêng tới những người bị ảnh hưởng để giải thích những thông tin nào bị tin tặc truy cập và cách thức giúp người sử dụng tự bảo vệ mình. Đồng thời Facebook cũng đang phối hợp với Cục điều tra liên bang Mỹ để điều tra ai đứng sau vụ tấn công.
Ngay sau thông báo về các dữ liệu bị đánh cắp vào ngày hôm qua (12/10), cổ phiếu của Facebook đã giảm tiếp 0.5%, sau khi cổ phiếu này đã bị giảm tới 2.6% khi thông tin về lỗ hổng an ninh mạng được công bố hồi tháng trước.
Liên quan đến việc các tài khoản người dùng bị hack, trang tin TheVerge mới đây cho biết, Facebook đã vô hiệu hóa nhiều tài khoản đánh cắp dữ liệu người dùng. Đó là 66 tài khoản của SocialDataHub - một công ty Nga có dính dáng tới cáo buộc thu thập thông tin cá nhân của người dùng, đã bị Facebook vô hiệu hóa.
Người phát ngôn Facebook cho biết, hoạt động của SocialDataHub đã đi ngược lại với nguyên tắc của mạng xã hội này. Do vậy, hãng đã khóa tài khoản và sẽ tiếp tục tìm các tài kiếm thêm các tài khoản khác nữa. 

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

Sửa lỗi tập tin hệ thống trên Windows 10

Bài hơi khó nuốt với các bạn ngoại đạo hoặc không quen chạy dòng lệnh cmd nha Máy tính chạy Windows 10 của bạn thường hay bị treo đội ngột do lỗi hoặc thiếu các tập tin hệ thống?. Trước khi thực hiện các biện pháp khắc phục nâng cao, hãy thử kiểm tra bằng công cụ mặc định System File Checker thông qua vài thao tác đơn giản sau đây.
System File Checker về cơ bản là tiện ích dòng lệnh trong Windows 10, cho phép người dùng quét các tập tin hệ thống bị mất hoặc hư hỏng và sửa chữa chúng một cách tự động. Công cụ này có thể được chạy thông qua Command Prompt mà không cần người dùng cài đặt các phần mềm từ hãng thứ ba.
Theo đó, để khởi chạy công cụ này, mở Command Prompt dưới dạng quản trị viên (Administrator) bằng cách nhập từ khóa CMD vào thanh/biểu tượng tìm kiếm trên thanh Taskbar, nhấn phải chuột vào mục Command Prompt trong khung kết quả vừa hiển thị, chọn Run as administrator và chọn Yes trong hộp thoại thông báo nếu có.
Trong cửa sổ dòng lệnh vừa xuất hiện, bạn cần thực thi DISM sau trước khi chạy công cụ System File Checker thông qua đường dẫn:
DISM.exe /Online /Cleanup-image /Restorehealth
Sau khi nhấn Enter để thực thi, lệnh trên sử dụng Windows Update để tải xuống các tập tin cần thiết để sửa lỗi.

Ngoài ra, trong trường hợp đã vô hiệu hóa Windows Update hoặc Windows Update không hoạt động vì một số lý do nào đó, bạn cũng có thể kết nối Windows 10 bootable media với PC, sau đó chạy lệnh sau:
DISM.exe /Online /Cleanup-Image /RestoreHealth /Source:C:\RepairSource\Windows /LimitAccess Nhưng thay đổi “C:\RepairSource\Windows” thành đường dẫn tới thư mục trên Windows 10 bootable media.
Bước tiếp theo, bạn hãy nhập tiếp lệnh sfc /scannow và nhấn Enter. Lệnh này sẽ quét tất cả tập tin hệ thống được bảo vệ và thay thế tập bị hỏng bằng bản sao được lưu trong bộ nhớ cache của tập hiện có trong thư mục nén nằm ở System32\ dllcache.
Lệnh trên có thể mất một thời gian để xử lý. Vì vậy, hãy kiên nhẫn.
Khi quá trình kiểm tra tệp hệ thống hoàn tất, bạn sẽ thấy một trong các thông báo sau:

Windows Resource Protection did not find any integrity violations: Thông báo nàychỉ ra rằng không có tập tin hệ thống bị thiếu hoặc bị hỏng trên máy tính.
Windows Resource Protection could not perform the requested operation: Nếu nhận được thông báo này, bạn có thể cần chạy lại System File Checker ở chế độ Safe Mode. Lưu ý, bạn nên chạy System File Checker một lần nữa ở chế độ bình thường trước khi thử ở chế độ Safe Mode.
Windows Resource Protection found corrupt files and successfully repaired them: Bạn sẽ nhận được thông báo trên khi System File Checker phát hiện các tập tin bị hỏng hoặc bị thiếu và sửa chữa hoàn tất.
Windows Resource Protection found corrupt files but was unable to fix some of them: Nếu nhận được thông báo này, bạn có thể thử chạy lại công cụ System File Checker hoặc xem tệp nhật ký (theo đường dẫn %WinDir%\Logs\CBS\CBS.log) và sau đó thay thế tập tin bị hỏng theo cách thủ công.
(Theo PCWORLD.COM)

Bí quyết dịch nhanh văn bản trong Microsoft Word

Theo: Đức Tiến-PCWORLD.COM
Bạn đang đọc một văn bản tiếng Anh và cần dịch một đoạn ngắn sang tiếng Việt. Thay vì phải sao chép rồi lên trang web Google Translate hoặc Bing để chuyển ngữ, giờ đây bạn có thể làm điều đó ngay trong giao diện Microsoft Word (phiên bản 2010 trở lên).
Công cụ dịch thuật được Microsoft Word sử dụng sẽ là Microsoft Bing và nội dung dịch xong sẽ được hiển thị ở một bảng mới bên tay phải cửa sổ nên tiết kiệm khá nhiều thời gian cho chúng ta. Lưu ý, việc chuyển ngữ trong Word sẽ yêu cầu máy tính phải kết nối Internet. Hơn nữa, ngay cả Google Translate cũng không đảm bảo cấu trúc ngữ pháp như người dịch, do vậy Microsoft Word cũng chỉ giúp bạn hiểu sơ nội dung của một tài liệu tiếng nước ngoài được chọn hơn là thay thế toàn bộ văn bản này bằng tiếng Việt.
Theo đó, để thực hiện, trong giao diện Word, bạn hãy chọn thẻ Review sau đó nhấn nút Translate. Tại đây, công cụ này sẽ cung cấp 3 tùy chọn chính bao gồm: Translate Document, Translate Selected Text Mini Translator.

Trước khi tìm hiểu chi tiết từng tuỳ chọn, bạn cần thiết lập chọn ngôn ngữ dịch cho Word bằng cách nhấn chọn Translate > Choose Translation Language…
Trong cửa sổ vừa hiển thị, nếu đã biết chính xác về ngôn ngữ cần dịch, bạn hãy chọn ngôn ngữ đó trong trình đơn Translate from: và chọn tiếng Việt (Vietnamese) trong trình đơn Translate To:

Quay trở lại với 3 tùy chọn chuyển ngữ chính của Word, tùy chọn Translate Document sẽ tải tài liệu của bạn lên dịch vụ Microsoft Translator, nơi nó được phân tích và chuyển ngữ sang ngôn ngữ bạn đã chọn. Sau khi nhấn nút Send, thao tác này sẽ mở trình duyệt web mặc định của Windows.
Tài liệu của bạn bây giờ đã được chuyển sang ngôn ngữ tiếng Việt, bạn có thể rê chuột lên từng dòng để xem nội dung gốc. Ngoài ra, giao diện của trang web này cũng có nét tương đồng với Google Translate với tùy chọn ngôn ngữ ở góc trên, điều này giúp người dùng dễ dàng chuyển ngữ mà không cần trở về giao diện soạn thảo Word.

Đối với tùy chọn Translate Selected Text, bạn chỉ việc đánh dấu chọn đoạn văn đó sau đó chọn Translate Selected Text để dịch chúng. Thao tác này sẽ mở cửa sổ Translate Task, là nơi Microsoft Translator hiển thị văn bản đã được dịch.

Tương tự Translate Selected Text, tùy chọn Mini Translator cho phép bạn dịch văn bản theo thời gian thực bằng cách hiển thị trình đơn chứa nội dung văn bản đã được dịch mỗi khi bạn rê chuột hoặc đánh dấu chọn một từ/đoạn văn bản nào đó. 

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Hàng triệu thiết bị Bluetooth trước nguy cơ bị tấn công!

Theo PCWORLD.COM
Cơ quan ứng cứu máy tính khẩn cấp (CERT) của Mỹ vừa phát đi cảnh báo về một lỗ hổng mới trên cổng Bluetooth, qua đó có thể khiến hàng triệu thiết bị bị tấn công thông qua lỗ hổng này.
Lỗ hổng mới này được đánh giá là nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến hàng loạt thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS và Android của Apple và Google, kể cả những mẫu smartphone hay tablet sử dụng các vi xử lý của Intel, Qualcomm và Broadcom. Theo đó, tội phạm mạng có thể đánh chặn và giải mã tất cả tin nhắn, dữ liệu của người dùng được gửi qua Bluetooth, theo tờ Forbes. Chuyên gia bảo mật Mike Ryan còn cho biết, trong trường hợp xấu nhất, hacker có thể xâm nhập được ngay cả khi mật mã được bạn sử dụng trong trường hợp xác thực hai lớp.
Hãy cập nhật ngay phiên bản mới nhất nếu bạn không muốn bị hack qua Bluetooth.

Lior Neumann - một trong hai nhà nghiên cứu của Israel đã phát hiện ra lỗi, đã chia sẻ với tờ Forbes qua email rằng: “Mọi thiết bị Android sử dụng chip không dây của Intel, Qualcomm hoặc Broadcom rất dễ bị tổn thương, bao gồm cả iPhone 8 và iPhone X”.
Như vậy, sẽ có rất nhiều thiết bị lẫn công nghệ đang sử dụng hiện nay bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng này.
Liên quan đến vụ việc, hãng Apple đã phát hành bản sửa lỗi vào tháng 5 thông qua bản cập nhật iOS 11.4 và phiên bản macOS mới nhất vào tháng 6. Về phía mình, hiện Google vẫn không đưa ra bất cứ lời bình luận nào, mặc dù họ đã phát hành một bản vá trước đó.
Cũng có liên quan, hai nhà sản xuất điện thoại là Huawei và LG cho biết, họ đã tiến hành vá lỗ hổng này. Tuy nhiên, các nhà cung cấp thiết bị còn lại như Samsung, HTC gần như chưa có động thái nào.
Về phía Broadcom, công ty đã thực hiện các bản sửa lỗi liên quan đến lỗ hổng Bluetooth mới cho các khách hàng OEM, đồng thời họ có thể sẽ phát hành chúng trong bản cập nhật phần mềm để người dùng cuối có thể cài đặt. Tương tự, cả Intel và Qualcomm cũng đều đã xác nhận vấn đề và cũng đã triển khai bản vá lỗi đến người dùng.
Còn Bluetooth SIG - một tổ chức phát triển tiêu chuẩn Bluetooth, cho hay họ đã phát hành bản cập nhật mới giúp các nhà sản xuất thuận tiện hơn trong việc tung ra bản vá. Mặc dù vậy, Bluetooth SIG cho rằng tội phạm mạng muốn tấn công cần phải nằm trong phạm vi kết nối của thiết bị.
Dù Microsoft không có mặt trong danh sách các công ty bị ảnh hưởng lần này, tuy nhiên Neumann cũng cho biết, Windows vốn dĩ đã dễ bị tấn công khi sử dụng Bluetooth đời cũ.
Phản hồi về thông tin trên, hãng Microsoft cho biết, Windows 10 đã được cập nhật để hỗ trợ Bluetooth 4.2. Tuy nhiên, người phát ngôn của công ty đã không đề cập đến các phiên bản Windows cũ hơn.
Nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình - nếu đang sử dụng smartphne Android hoặc iOS, các chuyên gia khuyên bạn hãy nhanh chóng cập nhật phiên bản mới nhất cho thiết bị của bạn. Hãy truy cập ngay vào phần Settings (cài đặt) > General (cài đặt chung) > Software update (cập nhật phần mềm) hoặc Settings (cài đặt) > About phone (về điện thoại) > System update (cập nhật hệ thống) để đảm bảo an toàn và hạn chế việc bị rò rỉ dữ liệu trong tương lai.