Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

6 Cách dễ dàng để làm hình của bạn nhìn ‘pro’ hơn (kỳ 106)

Vẫn là những bài viết đơn giản nhưng rất thực tế và hữu ích của tác giả Andy Nguyễn. Già tui xin được tiếp tục giới thiệu cùng các bạn...


Nhiếp ảnh số ngày nay rất thông dụng, mọi người đều có thể chụp ảnh được, chỉ cần bỏ tiền ra mua máy ảnh (điện thoại thông minh, tablet, máy ảnh bỏ túi, hoặc hàng “xịn” - máy DSLR). Nhưng để có được hình đẹp lại là vấn đề khác hoàn toàn. Không phải ai cũng chụp được hình đẹp mắt, hoặc thu hút người xem.
Trong Góc Nhiếp Ảnh kỳ này, tôi chia sẻ với những bạn thích chụp ảnh sáu cách để có ảnh nhìn chuyên nghiệp hơn, dễ dàng thôi! Chỉ cần đọc kỹ những bước lý thuyết rồi xách máy ra ngoài thực tập.
1. Gỡ rối

Hãy nhìn một tấm ảnh chuyên nghiệp và bạn sẽ để ý thấy rằng không có yếu tố nào không nên có trong đó. Những gì có trong khung ảnh đều do sự cố ý của người chụp. Cố gắng tránh bất cứ chi tiết dư thừa nào khác để người xem có thể tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất. Nếu bạn chụp hình phong cảnh, điều này có nghĩa bạn có thể phải lượm nhặt một tí rác hoặc dời đi một vài cọng cành khô.
2. Chú ý những chi tiết
Những chi tiết dù nhỏ cách mấy có thể có ảnh hưởng lớn cho một tấm ảnh. Có lẽ bạn không để ý mặt dây chuyền cẩm thạch bị che bởi vạt áo khi bạn bấm nút cửa chập, nhưng chi tiết đó sẽ “la to” kêu gọi sự chú ý của người xem khi rọi in lớn và treo trên tường.
Ráng tập thói quen dò mắt của bạn quanh cả khung hình để khám xét tất cả chi tiết trước khi chụp. Xem kỹ quần áo của người mẫu không bị nhăn, hậu cảnh trông sạch và không bị nếp, nếu có nữ trang thì đặt đúng chỗ, và make-up phải perfect.
Những tĩnh vật nên trong tình trạng “ngon lành”, cánh hoa hoặc lá bị héo, thí dụ, sẽ không “ăn ảnh” lắm.


Chú ý những chi tiếtChú ý những chi tiết

3. Khoảnh khắc
Cartier-Bresson có công đã đặt ra câu ‘the decisive moment’ - tạm dịch là ‘khoảnh khắc quyết định’, diễn tả giây phút lý tưởng nhất để chụp tấm ảnh. Quyết định khoảnh khắc này là một kỹ năng chủ cốt trong nhiếp ảnh và có thể đòi hỏi sự phản ứng nhanh như tích-tắc.

Khi chụp ảnh một cầu thủ túc cầu sút cú đá vào khung thành, thí dụ, thì thường tấm ảnh chụp lúc bàn chân chạm trái banh (hoặc ngay sau đó) hấp dẫn hơn tấm ảnh của bàn chân trên không sau khi trái banh đã bay khỏi khung hình. Khi đang chụp ảnh, hãy nhớ quan sát những hoạt động đang diễn ra hoặc những thay đổi với thời tiết. Và cố gắng đoán trước những gì sắp xảy ra để bạn có thể sẵn sàng bấm nút cửa chập ở ngay khoảnh khắc quyết định.


Cố gắng đoán trước những gì sắp xảy ra để bạn có thể sẵn sàng bấm nút cửa chập ở ngay khoảnh khắc quyết định.Cố gắng đoán trước những gì sắp xảy ra để bạn có thể sẵn sàng bấm nút cửa chập ở ngay khoảnh khắc quyết định.

4. Chân trời phẳng
Trong cơn sốt lấy ảnh, khi bạn đang tập trung tinh thần vào chủ thể chính, bạn sẽ dễ quên về đường chân trời (hoặc mặt nước) trong hậu cảnh.
Có những ngoại lệ khi một đường xéo “cố ý” có thể làm ảnh hấp dẫn hơn, nhưng theo quy luật nói chung thì đường chân trời nên bằng phẳng - đặc biệt khi có mặt nước trong hình.
Nếu máy ảnh của bạn có dụng cụ đo mặt phẳng điện tử, hãy dùng. Nếu máy của bạn không có, bạn có thể mua thiết bị làm phẳng và gắn vào chỗ gắn đèn flash trên máy, hoặc dùng đồ đo của chân máy (tripod). Trong trường hợp bất đắc dĩ, dùng Photoshop để làm phẳng.


Thiết bị làm phẳng được gắn vào chấu đèn flash trên máy ảnh.Thiết bị làm phẳng được gắn vào chấu đèn flash trên máy ảnh.

5. Loại trừ những hạt bụi(Vụ ni Già tui là chứa hay quên, huhuhu. Bị miết, hư dze kiu!)
Một điểm thực tế trong ngành nhiếp ảnh số là sensor của máy trước sau cũng sẽ bị dơ.  Đó không phải là một trở ngại lớn nếu bạn biết cách khám xét và sửa những tấm ảnh mà bạn sẽ cho người khác xem. Để chắc chắn bạn loại đi tất cả những điểm chấm hạt bụi, rọi ảnh lên 100% và làm việc có cách thức từ góc trái trên tới góc phải dưới.
Nếu bạn phải thường xuyên “lau chùi” hoài những điểm bụi thì cũng đã tới lúc bạn phải đi làm sạch sensor của máy bạn rồi.
6. Editing
Ấn tượng tốt về một bộ ảnh có chất lượng sẽ bị giảm đáng kể khi bộ ảnh đó bị lẫn lộn với những tấm ảnh “thiếu đánh bóng”. Do đó, thà bạn đưa ra 8 tấm ảnh tốt nhất của bạn còn hơn đưa ra 20 tấm mà có 12 tấm không đủ tiêu chuẩn. Tự  “chỉ trích”  ảnh của bạn và dành thì giờ ‘cắt xén’ bộ ảnh đến khi bạn chắc chắn rằng bạn đã lựa ra the best. Nếu bạn có nguyên loạt những ảnh tương tự, có lẽ đã được chụp với chức năng “bắn đại liên”, bạn phải quyết định chọn một tấm tốt nhất.
Những bí quyết kể trên có thể sẽ giúp bạn chụp được nhiều hình đẹp hơn. Chúc bạn may mắn khi click máy.
                                                                                                                                                                                                              AN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn đã ghé thăm Già :)